Thực tiễn về triển khai Phòng chống thất thoát dữ liệu (DLP)

Khi mô hình làm việc từ xa và BYOD ngày càng phát triển, việc phòng chống thất thoát dữ liệu (DLP) nhanh chóng chuyển từ một tùy chọn nên có sang một yêu cầu bắt buộc. Trước đây, DLP thường gắn liền với các mô hình triển khai phức tạp và những vấn đề quản lý vận hành thường trực. Ngày nay, DLP được coi như là một chiến lược hơn là một sản phẩm, tức là thành công phụ thuộc nhiều vào phương pháp và cách thức thực hiện hơn là tính năng kỹ thuật.

Bảo vệ dữ liệu đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh các sự cố mất dữ liệu ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng.

Việc triển khai các biện pháp Phòng chống thất thoát dữ liệu (DLP) không chỉ đơn thuần là lựa chọn một giải pháp công nghệ mà còn đòi hỏi một phương pháp tiếp cận toàn diện, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong dài hạn.

Vấn đề

Trước tiên, các tổ chức thường hay gặp khó khăn trong việc hiểu và triển khai các giải pháp DLP do thiếu sự rõ ràng về cách thức bảo mật dữ liệu và công tác đánh giá rủi ro.

Việc các nhà cung cấp giải pháp thường tập trung vào công nghệ mà bỏ qua tầm quan trọng của phương pháp triển khai, dẫn đến việc triển khai DLP không đạt kết quả như mong đợi. Điều này khiến các tổ chức rơi vào tình thế khó khăn, thiếu niềm tin vào khả năng bảo vệ dữ liệu của các giải pháp DLP.

Thành công của việc triển khai một giải pháp DLP thường không nằm ở khía cạnh công nghệ mà phần lớn là do phương pháp và chiến lược thực hiện. Điều này là yếu tố quyết định đến trải nghiệm và kết quả mà doanh nghiệp nhận được.

Từ tầm nhìn đến thực thi

Để xây dựng một chiến lược triển khai DLP hiệu quả, các tổ chức cần tập trung vào ba khía cạnh chính: khả năng nhận diện dữ liệu, khả năng đánh giá rủi ro theo thời gian thực, và phương pháp triển khai.

Giải pháp DLP cần có khả năng nhận diện được dữ liệu trong các trạng thái khác nhau như khi đang được trao đổi qua mạng (Data-in-Motion), đang được sử dụng tại điểm cuối (Data-in-Used), hay đang lưu trữ (Data-at-Rest). Đặc biệt, các giải pháp DLP tiên tiến hơn còn có thể thích ứng với rủi ro theo thời gian thực, cho phép điều chỉnh chính sách dựa trên mức độ rủi ro mà từng người dùng theo từng hoàn cảnh có thể gây ra.

Một điểm quan trọng cần được nhấn mạnh là không phải tất cả các giải pháp DLP đều giống nhau. Mỗi nhà cung cấp đều có cách tiếp cận riêng biệt, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sở hữu và thời gian để tổ chức nhận thấy được giá trị từ việc triển khai. Việc lựa chọn nhà cung cấp cần dựa trên sự hiểu biết về cách thức họ tiếp cận vấn đề hơn là chỉ dựa vào các tính năng công nghệ.

Thực tiễn và đo lường

Khả năng đo lường hiệu quả là yếu tố quan trọng trong bất kỳ giải pháp DLP nào. Theo các lý thuyết về quản trị rủi ro, rủi ro cho dữ liệu thường được tính toán dựa trên công thức

Rủi ro = Hậu quả x Tần suất xảy ra sự cố

cho phép các tổ chức không chỉ theo dõi các sự cố xảy ra mà còn đánh giá mức độ giảm thiểu rủi ro sau khi thực hiện các biện pháp chống thất thoát dữ liệu. Thêm vào đó, nguyên tắc 80/20 thường được áp dụng để tối ưu hoá nguồn lực, 80% các sự cố thường xuất phát từ 20% các kênh rủi ro, do đó tổ chức cần tập trung nguồn lực vào những điểm yếu quan trọng nhất.

Một nghiên cứu gần đây từ Viện Ponemon cho thấy 77% sự cố mất dữ liệu đến từ bên trong tổ chức, phần lớn là do sự cố vô ý của nhân viên hoặc thông tin đăng nhập bị rò rỉ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai DLP không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát dữ liệu ,mà còn phải theo dõi, quản lý và giáo dục hành vi cho người dùng.

Forcepoint – một nhà cung cấp các giải pháp bảo mật, trong đó có giải pháp về chống thất thoát dữ liệu (DLP) nổi tiếng trên thế giới – đã gợi ý một quy trình chín bước chi tiết để triển khai thành công một dự án về DLP, bắt đầu từ việc xác định hồ sơ rủi ro thông tin cho đến theo dõi kết quả giảm thiểu rủi ro. Cụ thể:

Tạo hồ sơ rủi ro thông tin

Xác định các loại dữ liệu cần bảo vệ và các kênh mà dữ liệu có thể bị rò rỉ.

Tạo biểu đồ đánh giá mức độ tác động và quy trình phản ứng

Phân loại sự cố theo mức độ nghiêm trọng để quyết định cách phản ứng phù hợp.

Xác định cách thức phản ứng dựa trên mức độ nghiêm trọng và kênh rò rỉ

Áp dụng các biện pháp phản ứng phù hợp cho từng kênh dữ liệu.

Tạo sơ đồ quy trình xử lý sự cố

Xây dựng quy trình xử lý sự cố từ tự động hóa cho đến yêu cầu sự can thiệp của các chuyên gia.

Phân công vai trò và trách nhiệm

Phân bổ các vai trò quan trọng trong quy trình quản lý DLP để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Thiết lập khuôn khổ các biện pháp kỹ thuật

Bắt đầu bằng việc giám sát các sự cố trên các kênh tổng thể và ít tác động đến người dùng nhất, sau đó thực hiện các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết.

Mở rộng phạm vi kiểm soát

Triển khai DLP đến các điểm cuối và ứng dụng đám mây, tiếp tục giám sát và điều chỉnh.

Tích hợp DLP vào toàn tổ chức

Biệt phái các nhân sự chuyên về quản lý dữ liệu đưa vào quy trình quản lý sự cố để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo dõi kết quả giảm thiểu rủi ro

Đo lường mức độ giảm thiểu rủi ro và báo cáo kết quả cho các bên liên quan.

Nguồn: Forcepoint

Liên hệ ngay với EAKA để nhận được tài liệu hướng dẫn đầy đủ, chi tiết về quy trình chín bước chi tiết để triển khai thành công một dự án về DLP

EAKA hân hạnh là đối tác được uỷ quyền chính thức phân phối các Giải pháp và Sản Phẩm của Forcepoint. Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và báo giá tốt nhất.